Những sắc màu dân gian của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam
Cùng chu du trải nghiệm bộ sưu tập màu đơn sắc Catania Laminates qua loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ - múa rối nước.
Vùng đồng bằng Bắc Bộ đã quen thuộc với cây đa, bến nước, mái đình và cũng không thể thiếu loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo – múa rối nước.
Loại hình nghệ thuật dân gian này xuất hiện từ hơn 10 thế kỷ trước, thường diễn ra vào dịp lễ, hội làng, ngày Tết, sử dụng những mô hình rối gỗ diễn kịch trên mặt nước. Mỗi câu chuyện mà người nghệ sĩ múa rối nước thể hiện là một sắc thái tình cảm lấy chất liệu từ cuộc sống mà người dân muốn gửi gắm.
Cùng với chèo và ca trù, múa rối nước trở thành loại hình sân khấu diễn xướng mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân trồng lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Các nhân vật trong múa rối nước được làm bằng gỗ sung, đây là loại gỗ nhẹ, nổi trên mặt nước, được đục đẽo với những cách điệu rất riêng rồi gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau tùy theo tính cách từng nhân vật. Những con rối thường có hình thù tươi tắn, ngộ nghĩnh, có tình hài và tính tượng trưng cao.
Khi xem biểu diễn múa rối, ta chỉ nhìn thấy phần thân rối nổi lên trên mặt nước còn phần đế chìm dưới mặt nước là nơi lắp máy điều khiển cho quân rối cử động.
Mấu chốt của nghệ thuật múa rối nước nằm ở kỹ xảo điều khiển tạo nên hành động của quân rối trên sân khấu. Lợi dụng sức nước, quân rối được điều khiển bằng máy sào hoặc máy dây, cống hiến cho người xem những điều kỳ lạ bất ngờ.
Sân khấu rối nước gọi là nhà rối hay thủy đình thường được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc cân đối tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Cờ quạt, voi, lọng, cổng hàng mã được trang bị đầy đủ. Buổi diễn thêm nhộn nhịp với những lời ca, tiếng trống, mõ, tù và, chen tiếng pháo chuột, pháo thăng thiên, pháo mở cờ từ dưới nước lên dưới ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo.
Người nghệ nhân rối nước chính là linh hồn của vở diễn. Đứng trong buồng trò để điều khiển con rối, họ thao tác từng cây sào, thừng, vọt... hoặc biểu hiện hành động của con rối bằng hệ thống dây bố trí bên ngoài hoặc ở dưới nước. Tạo hình và cử chỉ có hồn của mỗi con rối là trông vào những cử động của thân hình và hành động làm trò đóng kịch của nó.
Rối nước là loại hình khéo lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt, là sự hòa trộn nhuần nhuyễn và tinh tế giữa âm nhạc và nghệ thuật múa. Âm nhạc trong múa rối nước đóng vai trò điều khiển tốc độ, giữ nhịp, dẫn dắt động tác, gây không khí với tiết tấu truyền thống giữ vai trò chủ đạo, thường lấy các làn điệu chèo hoặc dân ca đồng bằng Bắc Bộ làm nhạc nền.
Nghệ thuật rối nước đã trở thành đặc phẩm văn hóa bản địa dân tộc, phát triển tại hầu hết các làng xã quanh kinh thành Thăng Long như Đào Thục, Đào Xá – huyện Đông Anh, chùa Nanh – Gia Lâm, Phường rối nước xã Thanh Hải – Thanh Hà – Hải Dương và nhiều phường rối ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc này là dấu ấn di sản văn hóa Việt Nam cần được bảo tồn, phát huy và giới thiệu rộng rãi tới bạn bè quốc tế.
Bài viết tham khảo nguồn từ http://quydisan.org.vn/
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm