Ký sự trồng cây ngày Môi trường thế giới 5/6
Trong ngày Môi trường thế giới 05/06, 6666 cây bạch đàn mô đỏ đã được Gỗ Minh Long trao tặng cho người dân ở vườn rừng Đà Bắc, Hòa Bình. Phía sau kết quả này là cả một hành trình với nhiều trải nghiệm và những giọt mồ hôi vô cùng quý giá.
Xe chúng tôi có mặt tại địa điểm trồng cây từ 7 giờ sáng. Mặt trời chói chang từ sáng sớm báo hiệu một ngày khá “căng thẳng”. Mọi người trong đoàn đều đã chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận thời tiết nắng nóng bằng mũ nón, áo chống nắng, giày tất cẩn thận. Và tất nhiên không thể thiếu một niềm hứng khởi về rừng.
Đường về rừng chắc chắn không rộng đẹp, bằng phẳng như những con đường ở thành phố. Thật may chiếc xe 29 chỗ chở 22 người lớn và 4 trẻ em của chúng tôi vẫn có thể bon bon chạy đến địa điểm trao tặng cây giống sau một vài điều chỉnh đường đi nhờ Google Map và cả những người dân địa phương.
Điểm trao tặng cây giống cách điểm đỗ xe khoảng hơn 200 mét đi bộ. Cửa xe vừa mở, cả một mùa hè “cháy bỏng” đã tràn tới đón mọi người bằng nắng, gió, con đường đất, không khí trong lành nhưng vẫn có phần oi ả. May mắn là đường đi không quá dài và tất cả mọi người đều rất phấn chấn!
Đoàn Gỗ Minh Long tại địa điểm trồng cây
Sự kiện trao tặng cây “Trồng cây – Trồng người” được tổ chức tại Hồ Cót, xóm Tình, xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động của TreeBank – Vườn ở khắp nơi – là một sáng kiến phi lợi nhuận do RED Communication điều hành với mục đích kết nối những tổ chức, những người muốn trồng rừng tự do ở Việt Nam. “Có một cây là có rừng”, chỉ cần bạn mong muốn trồng cây, sẽ có cách để thực hiện mong muốn đó. Đồng hành cùng Gỗ Minh Long lần này còn có các tổ chức khác như Omega, Momo, We Crypto và CCD cùng tham gia trao tặng giống cây. Tổng cộng trong ngày 5/6, đã có 30,000 cây được trao tặng, bao gồm cây dổi thực sinh, bạch đàn mô đỏ, cây sưa đỏ, thông ba lá, cây lát hoa, cây keo lai và cây quế chi. Trong đó, Gỗ Minh Long trao tặng 6666 cây bạch đàn mô đỏ. Cây bạch đàn được đánh giá là loại cây dễ trồng, phát triển nhanh trong thời gian ngắn và dù trồng vào mùa hè vẫn có khả năng sống cao, sống tốt cả trên những vùng đất đồi, đất cằn cỗi nghèo dinh dưỡng. Người dân có thể khai thác cây sau 5 – 10 năm canh tác.
Sau khi lắng nghe những chia sẻ từ ban tổ chức, đại diện Gỗ Minh Long – anh Nguyễn Văn Việt Khoa – Giám đốc bán hàng đã trao tặng cây giống cho bà con tại vườn rừng và cùng triển khai hoạt động trồng cây. Mỗi đoàn được phân công đến một khu đất dành cho mỗi loại cây khác nhau. Những cây bạch đàn mô đỏ nhỏ bé chỉ cao khoảng 30 – 40 cm được chuẩn bị từ trước, đặt trong những bầu đất có vỏ tự phân hủy để khi trồng cây không cần phải tách vỏ khỏi bầu nữa. Chúng tôi được các bác nông dân hướng dẫn cách trồng cây, đặt bầu cây xuống hố đất đã đào, lấp đất và lèn chặt xung quanh gốc cây, nhưng không lèn trực tiếp ở phần bầu cây rồi lấp đất trên bầu cây một lớp đất khoảng 2cm để cây có khả năng sống và phát triển tốt nhất. Những cây bạch đàn được trồng xen với cây sắn. Trồng xen cây giúp tăng độ phủ trên đất, hạn chế cỏ dại và cũng giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, tận dụng đất trống khi tán cây gỗ còn nhỏ.
Những cây giống bạch đàn mô đỏ được chính tay các thành viên trong đoàn vun trồng
Nắng trên đồi cũng không làm khó được người có lòng trồng cây. Thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn là bé Vy – con gái chị Nhinh phòng kế toán. Bé mới 3 tuổi rưỡi đã theo mẹ lên đồi trồng cây. Mọi thứ trong mắt trẻ thơ đều lạ lẫm, rộng lớn và nhiều bí ẩn. Hai má phính lấm lem cùng tiếng khóc, tiếng cười trẻ nhỏ đã mang lại niềm vui dịu mát trong buổi sáng tháng Sáu oi nồng.
Bé Gà 5 tuổi háo hức đòi trồng cây từ khi ban tổ chức còn đang tuyên bố lý do sự kiện. Đích thân anh chàng dùng chiếc xẻng cao hơn người mình để xới đất và thực hiện từng công đoạn trồng cây trong sự mãn nguyện thích thú. Khi chương trình đã kết thúc vẫn nhất quyết không chịu về, òa khóc muốn ở lại trồng cây tiếp!
Bé Gà tự tay trồng cây bạch đàn của mình
Những đứa trẻ hôm nay trồng cây với tình yêu thuần khiết dành cho vạn vật xung quanh. Để ngày mai, cây dổi, cây bạch đàn, cây quế chi,… sẽ cùng lớn lên với tuổi thơ, trở thành một kỷ niệm đẹp. Các bé cũng không biết rằng, “sống trách nhiệm” đã hình thành tự nhiên như thế, để màu xám lạnh của đất đá sẽ trở thành màu xanh tươi mát vào ngày mai.
Chỉ một hai năm nữa khi quay trở lại thăm vườn cũ, thăm những cây đã trồng, chắc chắn các bé sẽ rất vui và tự hào vì những mầm cây xanh mà mình đã vun trồng. Thăm lại cây và thấy chúng lớn lên, phát triển là một cảm xúc rất đặc biệt. Chúng tôi cũng trải nghiệm điều đó trong chuyến đi lần này khi trở về vườn rừng xóm Rồng – nơi gần 2000 cây dổi được trao tặng vào tháng 2 năm nay.
Sau hơn 3 tháng, các mắt ghép của cây dổi đã liền sẹo và cây bắt đầu bén rễ. Cây mới cao thêm khoảng 10 - 15cm với nhiều mầm mới và những lá non. Anh Hoàng Văn Linh, chủ vườn chia sẻ: Với những vùng như ở Tây Nguyên, cây dổi chỉ mất khoảng 4 – 5 năm là bắt đầu bói quả. Nhưng đất đồi ở Hòa Bình thì cần thời gian lâu hơn, khoảng 6 – 7 năm. Với đất vườn rừng thì việc khó khăn nhất chính là làm cỏ và ngăn sự phát triển nhanh chóng của cỏ dại. Chỉ 2 tháng không làm cỏ là cỏ sẽ mọc cao quá cả cây. Kể cả khi đã làm sạch cỏ, thân cây leo cũng có thể bám vào cây, vít cây xuống và ngăn không cho cây phát triển dẫn đến chết cây. Để hạn chế cỏ dại, ngoài làm cỏ thì bà con trồng xen các loại cây ngắn ngày như các cây họ đậu, cây mít hay ngô để có thêm thu nhập và làm giàu cho đất. Những cây dổi mới trồng cũng cần được bón phân và làm cọc đỡ để tránh bị đổ do gió hoặc chèn lấn bởi các cây dại. “Đất rừng thì nên trồng cây rừng”. Và trồng cây chưa bao giờ là một việc dễ dàng cả!
Cây dổi được trồng tại xóm Rồng từ tháng 2 năm nay
Trồng cây rõ ràng mới là bước khởi đầu cho một sự sống. Để cây tiếp tục phát triển, còn phải bỏ rất nhiều công sức và thời gian chăm sóc. Có thể chúng tôi đã lấm lem bùn đất, mồ hôi nhễ nhại trong chuyến đi lần này, nhưng những công sức đó chỉ là một phần rất nhỏ trong quá trình phát triển một cây rừng thực thụ. Nhưng nếu không có khởi đầu như thế thì sẽ không có những bước tiếp theo để phủ xanh những mảnh vườn rừng.
Trải qua hai sự kiện trồng rừng cùng TreeBank, lần nào bài hát “Một đời người một rừng cây” cũng được vang lên. Có bạn thắc mắc sao không hát bài khác vì lần trước đã hát bài này, câu trả lời là “Hát cho những người chưa được nghe!”. Trong bài hát có đoạn:
“Và tôi vẫn nhớ hoài về một loài cây
Sống gần nhau thân mới thẳng
Có một cây là có rừng
Và rừng sẽ lên xanh
Rừng giữ đất quê hương!”
Có một cây là có rừng!
Có một cây là có rừng - câu hát này chắc chắn sẽ còn được hát đi hát lại trong những sự kiện trồng rừng tiếp theo. Chỉ cần có ý muốn trồng cây là sẽ có cách để trồng. Nhưng nếu chỉ một mình Minh Long làm việc này thì hành trình ấy sẽ cần nhiều thời gian và công sức. Khi có sự chung tay của một cộng đồng – các đối tác, khách hàng, những người quan tâm và mong muốn tham gia thì hiệu quả chương trình sẽ rất lớn. Đó cũng là cách mà TreeBank đang thực hiện để gầy dựng “Vườn ở khắp nơi”, đồng thời là con đường mà Minh Long đang hướng tới – sống có trách nhiệm. Tinh thần ấy được thể hiện trong phương hướng phát triển sản phẩm, văn hóa doanh nghiệp và các hoạt động mà công ty tham gia, tổ chức.
Cũng giống như một cái cây, cần đầy đủ các yếu tố từ giống cây, thổ nhưỡng, nguồn nước, ánh sáng đến phân bón và công chăm sóc để phát triển thành một cây trưởng thành cứng cáp, mọi thành quả đều cần một quá trình vun đắp và phấn đấu. Sống trách nhiệm từ những điều nhỏ nhất là cách để sống trách nhiệm với những điều lớn lao và ý nghĩa trong cuộc sống. Cảm ơn sự nhiệt tình tham gia và chia sẻ của tất cả các thành viên Minh Long – những người đã trực tiếp góp mặt và trồng cây cũng như những thành viên cổ vũ, hỗ trợ. Hy vọng Gỗ Minh Long sẽ lại có dịp tiếp tục góp thêm màu xanh cho những cánh rừng với sự đồng hành của đội ngũ, các đối tác, khách hàng để vườn xanh thực sự ở khắp mọi nơi!
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm