Gỗ V Số “Son” – dấu ấn mang màu sắc bản địa
Tìm về với văn hóa bản địa và những giá trị mang hồn cốt của người Việt, năm 2024, Gỗ Minh Long cho ra mắt Bộ sưu tập V Số Son. V Số, một trong những công nghệ tiên tiến, được sử dụng để tạo ra bề mặt gỗ với vẻ tự nhiên chân thực. Sự sinh động và tự nhiên của V Số đại diện cho một tiến bộ mới trong việc "tự nhiên hóa" các vật liệu nhân tạo trong lĩnh vực nội thất.
Cảm hứng từ văn hóa Việt
Son là biểu hiện của những dấu ấn văn hóa đậm chất Việt. Son trở thành biểu tượng sống động trong thơ ca, được sử dụng để diễn đạt về vẻ đẹp tươi mới và sự trẻ trung, cũng như về sự bền vững và không biến đổi theo thời gian. Điều này được thể hiện trong ca dao có câu: “Anh đi gìn giữ nước non/Tóc xanh em đợi lòng son em chờ”.
Bước vào hội họa và điêu khắc, nhắc về màu đỏ son, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến gam màu rực rỡ trên chất liệu giấy hồng điều của dòng tranh dân gian Kim Hoàng – một phần biểu tượng cho cái “hồn thiêng ngàn năm” duyên dáng của đất kinh kỳ. Màu son cũng gợi nhắc đến màu đỏ của bột thần sa trên những bức tranh sơn mài – nét đặc trưng trong kho tàng di sản quý báu của nền mỹ thuật Việt.
Son cũng hiện diện trên những bức tượng điêu khắc trong nhiều không gian tâm linh. Tượng gỗ trong các ngôi chùa, đình, miếu thường có tông màu nâu vàng hoặc đỏ son đặc trưng, với nguyên liệu tạo màu được khai thác từ tự nhiên như nhựa cây hoặc các loại đá. Son trở thành đặc trưng trong các lễ hội, các nghi lễ thờ cúng tín ngưỡng và đi sâu vào đời sống tâm linh của người Việt.
Không gian “sơn son thếp vàng” với màu đỏ son đặc trưng trong Kinh thành Huế
Son cũng được nhắc đến như một dấu ấn của thời kỳ vàng son thịnh vượng. Theo quan niệm Á Đông, màu son là màu tượng trưng cho sự may mắn, cuộc sống dài lâu và hạnh phúc. Là một phần trong ý thức hệ về cái đẹp của người Việt, màu Son xuất hiện rất nhiều trong những công trình kiến trúc truyền thống tại Việt Nam: từ đình, chùa, miếu, điện… cho đến cung các; từ bình dị, dân dã với mái ngói đỏ cho đến lộng lẫy, uy quyền như sắc Son phủ rợp trong kinh thành Huế. Từ cửa sơn son ở Đại Cung Môn, ghế phủ son ở Duyệt Thị Đường đến những câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy trong Điện Thái Hòa – tất cả đều là chứng tích cho vẻ đẹp của Son nở rộ trong kiến trúc.
Son – vẻ đẹp từ hai loại gỗ quý Việt Nam
Bộ sưu tập V Số Son gồm 17 thiết kế bề mặt khắc họa hai loại vân gỗ quý ở Việt Nam là gỗ Hoàng đàn và gỗ Cẩm Lai. Màu sắc được lấy cảm hứng từ các vùng miền ở khắp nơi trên đất nước gắn liền với những địa danh mà hai loại gỗ này sinh trưởng và phát triển,. Son là những dấu ấn văn hóa của từng địa phương, từ vùng núi Tây Bắc, miền Trung – Tây Nguyên cho đến các tỉnh miền Nam.
Gỗ Hoàng đàn là một trong những loại gỗ rất quý hiếm được tôn là gỗ của các vị thần nhờ khả năng lưu hương rất lâu đến cả trăm năm sau. Cái tên Hoàng Đàn đã phần nào nói lên sự quý giá của loại gỗ này. Đây là gỗ có sợi mịn màng, chắc chắn, dễ gia công và đặc biệt có hương thơm nhẹ, giống như mùi của trầm. Cây hoàng đàn thuộc họ Thông, phân bố chủ yếu ở các dải núi đá vôi cao thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, từ Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan đến Bắc Sơn (Lạng Sơn). Lạng Sơn là vùng đất mà loài cây này tập trung nhiều nhất và cũng có lượng tinh dầu nhiều nhất. Ngoài ra, cây gỗ này còn phát triển ở Thạch An (Cao Bằng), Na Hang (Tuyên Quang)… Gỗ Hoàng đàn trong V Số Son là sự gợi nhắc lại những giá trị nguyên bản từ thiên nhiên một cách chân thực và bền bỉ nhất.
Vân gỗ V Số Hoàng đàn Ngọc Am ML 2323 trong không gian hiện đại
Gỗ Cẩm lai có chất gỗ đanh, vân gỗ đẹp và giữ màu sắc tốt với thời gian. Bề mặt gỗ thường mịn, dễ gia công, ít cong vênh, nứt nẻ và mùi hương dễ chịu. Dòng gỗ thuộc họ Đậu này sinh trưởng khá chậm với số lượng không nhiều, phân bố tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ Việt Nam. Cẩm lai trong V Số Son mang những tông màu đặc trưng cá tính, phù hợp với cả không gian truyền thống và hiện đại, mang lại cảm nhận trọn vẹn về một chất gỗ “son”, đanh chắc và giàu sức sống.
Nội thất sử dụng vân gỗ V Số Cẩm Lai Kon Tum ML 2382
Bí quyết tạo bề mặt gỗ tự nhiên
Gỗ V Số Son ra đời từ bí quyết tạo bề mặt gỗ tự nhiên bằng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, kết hợp cùng kinh nghiệm từ những bàn tay tài hoa của người Việt. Mỗi bề mặt là một thiết kế duy nhất không thể sao chép. Gỗ V Số Son tôn vinh sự sáng tạo và tối đa hóa khả năng sử dụng trong không gian nội thất với khổ ván kịch trần 4x9’’ (1220x2745mm) giúp hạn chế các mối nối ghép và gia tăng giá trị thẩm mỹ cho không gian.
V Số Son là dấu ấn của vẻ đẹp nội tại nơi thiên nhiên và con người Việt. Về với không gian nội thất hiện đại, bề mặt gỗ Son trở thành điểm tựa cho những không gian gia đình ấm cúng, khơi gợi lại những giá trị văn hóa và làm giàu thêm gia phong trong mỗi nếp nhà. Những thiết kế vân gỗ quý Hoàng đàn và Cẩm lại với tông màu nâu đỏ truyền thống là sự lựa chọn phù hợp trong những không gian tâm linh, thờ tự như phòng thờ, đền, chùa hay những không gian chữa lành…
Gỗ V Số Cẩm lai Đắk Lắk trong không gian phòng thờ
Son là mỹ từ vô cùng đẹp trong kho tàng tiếng Việt, vừa chỉ được dáng hình, vừa nói lên tính chất và cả màu sắc của một bản thể. Gỗ V Số Son không chỉ đem lại sự linh hoạt và đẹp hiện đại trong không gian nội thấ, mà còn mang “hồn dân tộc”, tôn vinh văn hóa bản địa và khuyến khích mỗi người sống Là chính mình trong không gian sống của mình.
V Số Son phù hợp với những ứng dụng vách kịch trần, cửa kịch trần, cửa trượt góc, hệ tủ walk-in closet, tủ âm tường; làm nội thất gia đình, nội thất văn phòng, và đặc biệt phù hợp trong những không gian phòng thờ, tâm linh, không gian thư giãn, chưa lành…
Bề mặt gỗ V Số đẹp tự nhiên với những đường vân sống động
Sự sáng tạo luôn là tôn chỉ trong quá trình phát triển sản phẩm của Gỗ Minh Long. Ở đó, công nghệ tiên tiến đóng vai trò then chốt trong quá trình tạo nên những sản phẩm giàu tính nhân văn và lay động cảm xúc của người trải nghiệm. Nếu nói làn da thứ nhất của con người là làn da sinh học bảo bọc và bảo vệ cơ thể, làn da thứ hai là trang phục thể hiện cái tôi cá tính của mỗi người thì không gian nội thất đích thị là làn da thứ ba. Nội thất phản ánh những giá trị tinh thần và nét văn hóa – gia phong trong mỗi ngôi nhà. Đời sống của mỗi người có trở nên thăng hoa được hay không phụ thuộc phần nhiều vào không gian sống. Nét son trong cuộc đời cũng từ đó mà được dung dưỡng và thăng hoa.
Bài đăng trên Interior Daily
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm