Một ngày của các em học sinh nội trú vùng cao

03/10/2018

Chiếc ô tô bán tải đi hơn 500 km được các em học sinh vẽ hình và “lau” sạch có lẽ là hình ảnh mà chúng tôi nhớ nhất sau chuyến đi về trường PTDTBT Tiểu học Nậm He.

Sáng sớm hôm đó, chúng tôi ngủ dậy sau chuyến đi dài cả một ngày hôm trước, vác theo chiếc máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của buổi bình minh nơi núi rừng Tây Bắc, và đặc biệt là hình ảnh của các em...

5 giờ 30 phút sáng đã có tiếng trống gọi các em dậy. Nhưng những cô bé cậu bé đã lục đục dậy từ trước đó. Những đứa trẻ không có cha mẹ ở bên, được rèn luyện tính tự lập từ sớm tự biết chải tóc và gấp chăn, màn của mình. Nếu là những ngày gần cuối tuần, niềm háo hức về nhà sẽ “kéo” các em dậy sớm hơn thế nữa.

Tối hôm trước chúng tôi đến trường vào lúc hơn 8 giờ, khi đó các em còn đang ngồi trong nhà ăn xem ti vi. Rồi đến 8 rưỡi, đám trẻ lại lục đục kéo nhau về nhà để đi ngủ. Trước khi ngủ còn tự mắc màn, ríu ra ríu rít như bầy chim non. Ngồi với các cô tới 10 giờ khuya mà vẫn thấy bên cạnh, cách nhau có chiếc vách gỗ, đang thì thầm to nhỏ nói chuyện. Thỉnh thoảng các cô sang, đứng trước cửa là tất cả liền im phăng phắc không một tiếng động, các cô đi sẽ lại đâu vào đấy. Tất cả những cuộc trò chuyện ở trong bóng tối, rúc rích, thì thào, bằng tiếng Mông hoặc tiếng Thái của các em, chúng tôi nghe không thể hiểu.

Tập thể dục từ lúc 5 rưỡi sáng...

Ngủ dậy khi trời còn nhá nhem,  trèo xuống những chiếc giường tầng bằng sắt đơn sơ, có em đã tự động cầm chổi đi quét phòng. Cái chổi chít có khi chỉ ngắn hơn các em chút xíu quét từ trong phòng ra ngoài hiên. Các em khác thì đi đánh răng, đi vệ sinh ngay gần bờ suối.

Chưa đến 6 giờ sáng, các em đã tập trung ngoài sân trường. Tất cả xếp thành các vòng trong đồng tâm, làm theo sự điều khiển của một nhân vật ở trung tâm – một bạn nhỏ có tiếng hô rất to, rất vang và dứt khoát. Cả trường tập những động tác khởi động thân, tay, chân, vặn mình theo những nhịp phách và kiểu dáng rất khác nhau, nhưng ai cũng chăm chú hướng về phía trung tâm không chút nào uể oải. Một vài thầy cô cũng ra sân cùng các em tập thể dục và quản lý mấy nhóc “phá quấy”.

Chúng tôi mới biến đi một lúc sau giờ thể dục đã thấy các em ăn sáng xong. Bữa sáng cũng nhanh chóng, “chuyên nghiệp” như khi các em thức dậy. Lúc đó tầm 6 giờ 30 phút, lũ lượt các bạn mang khay của mình ra khu rửa bát để rửa khay ăn. Đứng đó đã có cô giáo điều phối và cất khay cho các bạn ở những giá cao. Loáng cái đã xong, nhanh gọn như một cơn gió. Lác đác đã thấy các em học sinh mang cặp đến trường đi học. Mọi nếp sinh hoạt ở đây sớm hơn ở thành phố phải đến hơn một tiếng đồng hồ. Ngày mới có lẽ đã bắt đầu từ khoảng kém 5 giờ, khi gà gáy sáng, dưới nhà sàn, lợn ụt ịt kêu đòi ăn, chó sủa oẳng nhau inh ỏi...

Trời sáng dần trên ngôi trường nhỏ ở bản Nậm He

Và các em đang rửa bát sau khi ăn sáng

Các bạn học sinh nội trú về nhà ở của mình sửa soạn quần áo sách vở để lên lớp học.  Nhưng trước đó, vẫn như ở dưới xuôi, các em phải vệ sinh lớp, cầm chổi quét sân, bạn thì hắt nước cho sân đỡ bụi, bạn thì “khí thế” quét sân từ lớp chổi này đến lớp chổi khác, vừa lao động vừa vui đùa thật hồn nhiên như những chú chim rừng buổi sáng. Trong khi đó, thấy có bạn bé con bê chậu nước và khăn trắng như khăn lau bảng ra vòi nước để giặt, trông rất khệ nệ nhưng không quen hướng ánh mắt tò mò nhìn về phía chúng tôi.

Quét sân trước giờ vào lớp

Trước giờ vào lớp, các bạn học sinh tập trung dưới sân trường “hô khẩu hiệu” như trẻ con dưới thủ đô - như chúng tôi ngày xưa – về 5 điều Bác Hồ dạy. Các em cũng có đồng phục, áo trắng và quần hoặc váy màu xanh, quàng khăn đỏ thắm trông đẹp và mới thật tinh khôi. Nhưng không phải là tất cả, có nhiều em mặc áo trắng nhưng bên dưới vẫn là chiếc váy dân tộc nhiều màu đặc trưng, xếp nếp dịu dàng nhỏ nhắn. Mấy bạn nam thì làm chúng tôi ấn tượng bởi chiếc quần vải dài màu ghi bóng và ống loe loe. Thời trang như thế xuất hiện khắp quanh trường, có bạn còn mặc chiếc quần rách te tua ở mông đít, ống thấp ống cao chạy quanh sân. Các em học sinh em nào cũng đen nhẻm nhem, tóc hoe hoe cháy nắng.

Lên lớp...

Trời đã sáng mà xa xa, những dãy núi xanh trập trùng phủ một lớp mây bạc, dịu dàng ôm lấy bản Nậm He xa xôi nhỏ bé. Cô hiệu trưởng tâm sự với chúng tôi, không hiểu vì sao ở đây có cơm ăn, quần áo các cô giặt cho sạch sẽ mà các em vẫn muốn bỏ học về nhà. Cứ trưa thứ 6 ăn cơm xong là các em lại về nhà với bố mẹ, đến chủ nhật quay về trường. Đa phần các em đi bộ, em nào bố mẹ thương và có điều kiện thì xuống trường đón về. Nhiều em nhà xa quá không về cuối tuần, các thầy cô giáo chủ nhiệm cũng phải ở lại với các em, tự bỏ tiền túi của mình mua đồ và nấu ăn cho các em.

 

Tủ sách nhỏ của các em

Sáng hôm đó, sau lễ khởi công điểm trường Tía Tâu, chúng tôi ngồi ở nhà trưởng bản nói chuyện, trên căn nhà sàn dựng ngay bên đường quốc lộ, cách điểm trường chính khoảng 3km. Vừa ngồi chốc lát đã thấy 4 em học sinh nữ bỏ trường trốn về nhà. Cô hiệu trưởng nhận ra ngay là học sinh của mình liền tức tốc gọi các em vào với giọng “không thể nghiêm nghị và nghiêm trọng hơn”. Vì với các em, cô bảo, có muốn hiền dịu, nói nhẹ nhàng cũng là không được. Bốn em học sinh nữ vừa lên gác 2 của nhà sàn, cô hỏi sao không ở trường học lại chốn về nhà? Em cao nhất trả lời vì nhớ mẹ. Cô hỏi thứ mấy mới được về? Thứ sáu – các em trả lời. Thế hôm nay là thứ mấy? Thứ bốn! Thế thì chưa được về nhà, chờ đến thứ sáu mới về với bố mẹ nhé! – Vâng! Tụi nhỏ được lấy ghế cho ngồi chờ cô hiệu trưởng gọi thầy giáo chạy xe máy xuống đón về học tiếp. Vừa ngồi xuống ghế, một đứa đã quay ngay sang đứa bên cạnh vạch đầu bạn ra bắt chấy, nhìn say sưa và chú tâm như một người đi săn.

Cô hiệu trưởng và những “thanh niên” trốn học

Có những em, cô kể, còn trốn đi về men theo con suối lớn. Các thầy cô phải chia nhau, người đầu suối, người bìa rừng để chặn bắt và đưa các em trở lại trường. Nhiều em còn sợ hãi không muốn đi học, sẵn sàng lao mình vào bụi gai trốn các thầy cô. “Bọn mình phải mai phục, chờ cho em nó mệt, chui ra ngoài là bắt về trường!” Các em học sinh nghỉ học và đi học vì những lý do mà có lẽ những người dưới xuôi như chúng mình không thể hiểu được. Thầy phụ trách điểm trường Tía Tâu chia sẻ, có em hết hè rồi chưa thấy đi học lại, thầy gặp và hỏi bố sao không cho em đi học. “Mẹ nó chết rồi. Nó không đi học nữa đâu.” Thầy giật mình hỏi mẹ em làm sao mà mất, thì bố em trả lời điềm nhiên “Già rồi, không đẻ được nữa thì chết thôi.”

Từ khi mới học lớp 3, lớp 4, các em đã thành lao động chính của gia đình. Nhà nào nhiều con tức là nhiều người làm việc. Bố mẹ em vì thế nên không muốn nhà mình mất đi lao động khi các em đi học. Nhiều trường hợp các thầy cô còn phải góp gạo, muối mua mang lên đưa cho bố mẹ em, để đổi lại các em được xuống trường đi học mà biết lấy cái chữ.

Khu nội trú của các em học sinh nam

Điểm trường trung tâm cũng mới được ủng hộ xây dựng nên có nhiều đổi mới hơn xưa. Thay vì nhà gỗ, giờ đã là nhà xây khang trang hơn. Người dân trên bản cứ bảo, nhà xây mới là nhà đẹp và nhiều tiền. Nhà gỗ nghèo lắm. Chúng tôi nghĩ bụng, cuộc sống nơi đây đúng là trái ngược hẳn với những gì đang diễn ra quanh chúng tôi dưới xuôi... Ở đây sóng điện thoại yếu, nhà rộng mà chỉ có chiếc đèn compact tiết kiệm điện khiến không gian lại càng trở nên leo lét, mù tối mỗi khi chiều xuống, đêm về.

Khu nội trú của các em học sinh nam

Các em được học buổi sáng, buổi chiều và có những hôm thầy cô còn phụ đạo cả buổi tối, xen kẽ với những buổi các em được xem ti vi. Chiều đến, có một tốp mấy em nam xuống giúp các cô nấu cơm. Cứ hai, ba em một phụ các cô bê đồ ăn từ bếp lên nhà ăn. Hai đứa xách xô canh, ba đứa khiêng nồi cơm... Cứ thế mấy lượt lên thì hết đồ. Các bạn học xong sang ăn cơm là vừa. Ăn cơm sớm, các em còn đi tắm gội cho sớm, vì nước ở đây lấy từ khe suối, ngày thì mát mà đến ban tối là lạnh.

Nhà ở của các em nội trú nữ

Theo từng hoạt động của các em học sinh nội trú là các thầy cô giáo. Trường có gần 30 giáo viên tại điểm trường trung tâm, mỗi thầy cô đến từ một vùng quê khác nhau, nhưng chủ yếu là mảnh đất Mường Chà, Tuần Giáo – Điện Biên. Có thầy còn quê ở Thạch Thất, nhiều cô chưa từng xuống đến Hà Nội. Mỗi người mỗi cái duyên về trường, có những thầy cô gắn bó với các điểm trường từ thời chỉ là nhà dựng tạm, muốn gọi điện về nhà phải leo cao lên dẻo núi cheo leo gần cột sóng để bắt sóng, rồi phải đi xách nước, chạy đỉa trên con đường rừng. Nhiều khi đến bật khóc với những khó khăn vất vả, nhưng cuộc sống mà, mỗi người một con đường, một nghề nghiệp. Có những kỷ niệm khó khăn như thế thì giờ ngồi với nhau mới có chuyện chia sẻ lại cho mọi người cùng được biết.

Thời gian biểu dành cho học sinh bán trú

Chiều tà là khoảng thời gian buồn nhất trong ngày, dù ở bất cứ đâu. Ngồi trên gác 2 của nhà sàn nhìn xa xa là những dãy núi trầm ngâm trong ánh trời hồng tím, thấy lòng bâng khuâng nhẹ nỗi nhớ nhà và suy tư về cuộc sống khi màn đêm đang dần ôm trọn bản nghèo, khỏa lấp chuồng lợn, ao vịt và những bụi chuối xanh tốt ngay bên dưới nhà sàn. Rời xa những tiện nghi vật chất thường có hàng ngày, xa với công việc, sự gặp gỡ và những thói quen tiêu xài vốn có, chúng tôi ngồi lại trên căn gác gỗ, trong tay chẳng có gì nhiều, giống như các thầy cô giáo và các em học sinh ở đây, trải lòng với núi rừng, quay về với sự mộc mạc chân chất của tuổi thơ, cái thời bắt cho nhau con chấy, ăn cơm, đi ngủ theo chúng bạn, hồn nhiên vô tư lự.

Xe của chúng tôi rời trường vào sáng sớm hôm sau, khi các em đã vào lớp học. Cánh cổng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm He dần ở lại phía sau con dốc ghập ghềnh trắng bụi, sau những rặng cây xanh rồi sau những dãy núi trập trùng. Còn nhớ tối hôm trước đó khi vào trường, có ánh trăng theo chúng tôi, sáng tỏ, trong veo xua tan đi nỗi nhớ nhà. Hôm đi rồi lại khác. Tình cảm đặc biệt đã ở lại nơi núi rừng Tây Bắc, đẹp thật, mà sau cái đẹp ấy là bao niềm vui, nỗi cơ cực mà chỉ những người đặt chân tới mới thấu hiểu. Xe rời khỏi bản Nậm He, tiếp tục con đường về xuôi, mang theo bao bụi bặm của đất, của gió miền dẻo cao mà không còn những đôi tay nhỏ vẽ lên, “lau xe” cho chúng tôi nữa...

Cùng chuyên mục
0 bình luận, đánh giá về Một ngày của các em học sinh nội trú vùng cao

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Liên hệ

Bạn đã có những BST mã màu mới nhất của Gỗ Minh Long chưa?

- BST 25 màu Decor

- BST 11 màu V Số mới nhất

- BST  Melamine 14 màu đơn sắc 2021

- BST Home Color Home

- BST Cata Laminate 

Hãy để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ với bạn ngay!

Liên hệ với chúng tôi
Gửi yêu cầu
Hệ thống cửa hàng
Văn phòng giao dịch
Nhà máy
Kho Cầu Diễn
Văn phòng bán hàng khu vực Thường Tín
Kho Thạch Thất
Văn phòng bán hàng khu vực Đông Anh
Văn phòng bán hàng khu vực Hà Đông
BẮC NINH: Đại lý Minh Phúc Home Decor
BẮC GIANG: NPP Cường Phú Thịnh
HẢI DƯƠNG: Đại lý Đức Phát
THÁI NGUYÊN: Đại lý Đăng Quang
HẢI PHÒNG: Nhà phân phối Đức Chương
Kho Nghệ An
THANH HÓA: Cửa hàng Thanh Hóa
THANH HÓA: Đại lý Hoàng Gia Start
HÀ TĨNH: Nhà Phân Phối Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị
ĐÀ NẴNG: Cửa hàng Túy Hoa
ĐÀ NẴNG: Cửa hàng Việt Tuấn
0.05811 sec| 942.273 kb