Nhu cầu sử dụng ván chống ẩm tại Việt Nam
Như chúng ta đều biết, gỗ công nghiệp (ván nhân tạo) được con người sáng tạo ra nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên gỗ, thay thế gỗ tự nhiên, thỏa mãn nhu cầu ngày càng gia tăng của con người về gỗ. Chính bởi vậy, gỗ công nghiệp liên tục được phát triển, hoàn thiện theo hướng mô phỏng gỗ tự nhiên, phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm của gỗ tự nhiên, nâng cao độ bền cơ học, độ bền tự nhiên, tạo ra các tính năng mới mà gỗ tự nhiên không có được như chống cháy, chống ẩm,… để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng của con người.
Phát sinh nhu cầu từ điều kiện khí hậu
Việt Nam chúng ta nằm ở bán cầu Bắc, thuộc vành đai khí hậu nhiệt đới, có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Độ ẩm không khí trung bình trong năm cao, độ ẩm ở các thời điểm trong năm biến động khá lớn, có thể lên tới trên 90% vào những ngày nồm ẩm, những ngày khô hanh có thể xuống dưới 30%. Điều này không có lợi cho những sản phẩm nội thất làm từ vật liệu gỗ, bao gồm cả gỗ công nghiệp. Vật liệu gỗ công nghiệp và gỗ tự nhiên đều có cấu trúc xốp rỗng, bên trong chứa những khoảng trống nhỏ tạo các hiệu ứng hút nhả ẩm để cân bằng với độ ẩm môi trường. Chính sự hút nhả ẩm này làm cho các tế bào sợi gỗ biến dạng tạo ra các ứng suất làm gỗ bị trương nở, co rút, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sản phẩm làm từ các loại nguyên liệu này. Đối với các loại gỗ công nghiệp, đặc biệt là ván dăm, ván sợi MDF, khi bị ẩm xâm nhập như vậy, các liên kết giữa dăm, sợi với chất kết dính sẽ bị tác động làm giảm độ bền liên kết của ván, kéo theo các tính chất cơ học khác cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Chính vì lý do đó mà ở những nơi có khí hậu nhiệt đới ẩm đặc thù, độ ẩm không khí cao, biến động lớn như ở nước ta, khả năng chống chịu môi trường ẩm của vật liệu nội thất được quan tâm hơn ở những vùng khí hậu ôn đới, có độ ẩm không khí thấp và ổn định hơn.
Hoạt chất chống ẩm trong keo và màu sắc ván chống ẩm
Để tăng cường khả năng chống ẩm cho các loại ván nhân tạo, các nhà sản xuất thường sử dụng 2 giải pháp, thứ nhất là chọn dùng các loại chất kết dính (keo) có khả năng bám dính tốt trong môi trường ẩm (ví dụ như: các loại keo gốc phenolic, các loại keo biến tính để chịu nước), thứ hai là sử dụng các loại phụ gia ngăn chặn, cản trở sự xâm nhập ẩm (ví dụ như parafin). Khi sử dụng các giải pháp này, các nhà sản xuất đã phải nghiên cứu, lựa chọn tỷ lệ phối trộn hợp lý để nâng cao khả năng chống ẩm mà vẫn đảm bảo chất lượng kết dính. Thông thường thì những hoạt chất chống ẩm đưa vào càng nhiều thì khả năng chống ẩm của ván càng cao, tuy nhiên, hàm lượng chất chống ẩm quá nhiều sẽ làm giảm khả năng kết dính của keo, kéo theo làm giảm chất lượng ván.
Hiện nay, các loại ván nhân tạo có sử dụng chất kết dính (keo) được xem xét mức độ độc hại thông qua dư lượng các hóa chất độc hại có thể bay hơi phát tán vào không khí trong quá trình sử dụng (chủ yếu là lượng formaldehyt tự do). Với các loại ván chống ẩm, nếu không sử dụng các hoạt chất tạo ra nguy cơ này thì tính độc hại của nó hoàn toàn không có gì thay đổi.
Màu xanh của ván chống ẩm không phải do các chất chống ẩm tạo ra mà là do khi sản xuất, các nhà sản xuất đã thêm vào những chất chỉ thị màu nhằm phân biệt các loại ván có tính chất khác nhau. Ván chống ẩm thông thường có màu xanh để phân biệt với các loại ván thường màu vàng (màu sợi gỗ). Do mục đích tạo màu chỉ đơn giản là để phân biệt loại ván nên độ đậm nhạt của ván ở các nhà máy khác nhau là khác nhau, thậm chí trong cùng nhà máy, ở các loạt sản xuất, lô hàng khác nhau cũng có độ lệch màu. Bởi vậy, chúng ta không thể phân biệt khả năng chống ẩm của các loại ván này thông qua màu sắc ngoại quan. Để lựa chọn đúng các loại ván chống ẩm theo nhu cầu, người sử dụng nên tìm đến các nhà cung cấp uy tín, các sản phẩm có những minh chứng kiểm tra chất lượng sản phẩm rõ ràng.
PGS. TS. HS Lý Tuấn Trường - Viện trưởng Viện Công nghiệp gỗ và nội thất - Trường Đại học Lâm nghiệp
Bài viết đăng trong ấn phẩm: Home Color Home, số phát hành 2022
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm